Để tăng sản lượng và tối đa hóa lợi nhuận, việc nuôi cá tra đã được tăng cường, nhưng kéo theo đó là nguy cơ gia tăng dịch bệnh ở cá tra giống và các vấn đề do vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng và các mầm bệnh khác gây ra. Một hạn chế chính đối với việc nuôi cá tra là dịch bệnh, làm phát sinh chi phí cao trong các lĩnh vực như phòng và chữa bệnh. Miễn là điều kiện nuôi tốt, cá tra nhìn chung có khả năng chống lại bệnh tật trong giai đoạn nuôi thương phẩm nhưng chất lượng nước xấu đi, việc xử lý hoặc nhiệt độ nước sai kỹ thuật đều có thể làm tăng khả năng nhiễm ký sinh trùng hoặc vi khuẩn.
Mục Lục
Cách phòng chống bệnh ở cá tra giống
Do cá tra giống còn nhỏ nên nếu mắc bệnh thì mức độ lây lan cực nhanh nên chủ yếu cần tập trung vào các biện pháp phòng bệnh là chính, cụ thể:
- Chọn cá bột tại những trại sản xuất có uy tín, đúng tiêu chuẩn, khỏe mạnh.
- Cẩn thận khi đánh bắt, vận chuyển, cá rất dễ xây xát, lở loét tạo cơ hội cho các mầm bệnh xâm nhập gây bệnh làm chết nhiều.
- Cải tạo ao thật kỹ, vét sạch lớp bùn đáy ao, lọc nước qua túi lọc thật mịn, sử dụng Iodine để diệt bớt các mầm bệnh trong nước, phòng trị dịch bệnh lây lan.
- Thả cá giống với mật độ thả vừa phải, từ 200 – 500 con/m2, quá cao tỷ lệ hao hụt sẽ rất lớn.
- Định kỳ kiểm tra sức khỏe cá, mỗi biểu hiện bất thường đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời.
- Giữ sạch môi trường nuôi, các yếu tố thủy lý hóa ổn định nhất là hàm lượng ôxy hòa tan. Diệt khuẩn, nấm và ký sinh trùng định kỳ để giảm mầm bệnh hiện diện trong ao.
![Phòng chống bệnh ở cá tra giống](https://tomloe.com/wp-content/uploads/2021/10/1-min-7.jpg)
Vào mùa dịch bệnh hoặc thời tiết bất lợi, cá rất dễ bị stress, sốc tạo điều kiện cho mầm bệnh tấn công. Do đó, phải giúp cá tăng sức đề kháng bằng cách bổ sung thêm Glucan MOS hỗ trợ chức năng gan, tạo thành một màng sinh học bảo vệ niêm mạc ruột, tăng cường hệ thống miễn dịch với 3 – 5 g/kg thức ăn.
Chữa bệnh trùng bánh xe ở cá tra
Bệnh do ký sinh trùng họ Trichodina gây ra. Trùng ký sinh chủ yếu ở da, mang, khoang mũi cá. Khi cá mắc bệnh, trên thân cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục; da cá chuyển màu xám, cá thường nổi thành từng đàn trên mặt nước. Khi bị bệnh nặng, cá bơi lung tung không định hướng, cá lật mấy vòng chìm xuống ao rồi chết. Bệnh gây tác hại lớn cho các cơ sở ương nuôi giống, tỷ lệ hao hụt có thể lên tới 80%. Bệnh gây hậu quả nghiêm trọng lên cá hương và cá giống; tỷ lệ chết có thể là 90% trong 48 giờ. Bệnh thường xuất hiện trong những ao, bể ương nuôi với mật độ dày, môi trường bẩn. Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa.
Khi cá bị bệnh, cần dùng nước muối 2 – 3% tắm cho cá trong 10 – 15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5 – 0,7 ppm (0,5 – 0,7 g/m3 nước); dùng CuSO4 0,5 ppm rắc đều xuống ao. Xử lý mầm bệnh trong nước bằng Vicato 1 kg/1.500 – 2.000 m3 hoặc BKC 80 nồng độ 500 – 800 ml/m3 lúc trời nắng, xử lý 2 ngày/lần; 3 lần liên tục. Tạt Vitamin C để cá tăng sức đề kháng; và bổ sung glucan vào thức ăn để cá bệnh nhanh hồi phục. Để phòng bệnh, cần giữ môi trường nước sông nuôi luôn sạch sẽ. Mật độ ương nuôi cá không quá dày (khi đó cảm nhiễm trùng bánh xe tăng 4 – 12 lần).
Phòng trị bệnh đốm da, trắng da ở cá tra
![Phòng trị bệnh đốm da, trắng da ở cá tra](https://tomloe.com/wp-content/uploads/2021/10/2-6.jpg)
Cá bị nhiễm bệnh thường bỏ ăn, gốc vây lưng xuất hiện vết đốm trắng; sau đó lan dần đến cuống đuôi và toàn thân. Cá bị bệnh nặng thường bơi lờ đờ ngang mặt nước, rồi lộn đầu xuống và chết. Bệnh này xảy ra rất nhanh nên phát hiện và phòng bệnh sớm là rất cần thiết. Để trị bệnh, cần dùng một số kháng sinh và thuốc điều trị (thế hệ mới) trộn vào thức ăn tự chế biến hoặc nghiền mịn và pha thành dung dịch ngâm thức ăn viên cho cá ăn: Sunfadimezin 5g + Oxytetracyclin 2g/100 kg cá kết hợp trộn vào thức ăn Superfact 250g/100 kg thức ăn. Từ ngày thứ ba, liều lượng giảm 1/2, cá có thể khỏi bệnh sau 5 ngày dùng thuốc.
Phòng trị bệnh xuất huyết đường ruột
Bệnh xuất hiện chủ yếu vào các tháng mùa khô. Cá bị bệnh bụng chướng to, hậu môn lồi, sưng đỏ, vây bụng xung huyết. Cá bơi lờ đờ, tách đàn, biếng ăn. Để phòng bệnh, có thể dùng cỏ mực thái nhỏ và nấu chung với thức ăn tự chế biến; cho cá ăn, liều lượng 1 kg cỏ mực + 70 kg thức ăn. Cứ cách 1 tuần cho ăn một lần, nhằm phòng bệnh đường ruột rất tốt. Trị bệnh cho cá nên dùng Sunfathiazon 6g + 0,5g Thiromin/100 kg cá; hoặc Sunfaguanidin 10g/70 kg thức ăn tự chế biến. Cho ăn liên tục 5 ngày liền, từ ngày thứ ba giảm 1/2 lượng thuốc.
Chúng tôi luôn mang đến thông tin bổ ích nhất cho bạn đọc.